Giải Pháp Web Funnel với WordPress

Tư duy về tài chính thời sinh viên

Trong một buổi chiều mình ngồi trong một quán cafe, mình được ngồi nói chuyện với một người chị. Trong cuộc nói chuyện thì cả 2 cũng đề cập đến những áp lực mà sinh viên thường gặp phải, trong đó có tiền bạc. Và đây cũng là vấn đề mà mình đã từng trải qua, sau khi được chị chia sẻ về những ngày tháng sống thiếu thốn thời sinh viên, và những bài học quý báu chị ấy đã nhận lại. Sau một vài ngày kể từ hôm đó, tư duy về tài chính thời sinh viên trong mình cũng có những bước chuyển biến tích cực hơn. Hôm nay mình sẽ viết lên blog này, đầu tiên là để giúp những bạn sinh viên có cái nhìn tổng quan hơn về tiền bạc khi còn đi học và cái thứ hai là khi mình viết ra cũng là một lần nữa mình ghi nhớ và in sâu hơn trong suy nghĩ của mình.

Dù nhiều hay ít thì vẫn thiếu để tiêu?

Hầu hết đa số các bạn sinh viên đi học đại học thì đều nhận được sự chu cấp tài chính từ gia đình. Chỉ một phần nào đó là các bạn đã tự kiếm tiền và tự lo được cho bản thân. Nhưng ở phần này mình sẽ nói về sự chu cấp tài chính từ gia đình và phần tự lo cho bản thân mình sẽ viết trong phần sau.

Mình còn nhớ ngày mình mới đặt chân lên Hà Nội, mình đã rất lo về những khoản chi tiêu. Đầu tiên là tiền học, sau là tiền thuê trọ hằng tháng và tiền ăn tiêu, sinh hoạt. Hằng tháng mẹ mình có gửi cho mình 3-4 triệu để chi trả tiền trọ và còn lại để mình tiêu pha. Nhưng mình luôn trong một cảm giác là thiếu tiền để tiêu, đôi khi cũng vì nhu cầu của mình hơi cao. Mình đặt ra một câu hỏi: “Nếu mỗi tháng mình được cho 3 triệu – 5 triệu hay hơn nữa là 7 triệu thì liệu có đủ hay không?” Là mình thì mình nghĩ dù nhiều hay ít thì cũng không đủ đâu, nếu các bạn được cho nhiều hơn thì các bạn xác nhận giúp mình xem đúng không với nha. Thì tại sao lại không đủ nhỉ? Vấn đề có lẽ nằm ở nhu cầu cao hay thấp mà thôi. Khi chúng ta có 3 triệu thì chúng ta thuê trọ nhỏ hơn với nơi mà những bạn có 5-7 triệu. Khi chúng ta có 3 triệu thì nhu cầu tiêu pha, ăn chơi,… cũng sẽ thấp hơn so với những bạn có 5-7 triệu/ tháng. Và từ vấn đề này đã dẫn mình tới tư duy đầu tiên về tài chính.

Tư duy 1: Tiết kiệm trước, tiêu tiền sau

Tư duy đầu tiên mà mình nhận ra là cần phải tiết kiệm trước, tiết kiệm ở đây không phải là mình sẽ sống cùng cực, kham khổ. Mà tiết kiệm là mình sẽ chỉ mua, chi trả cho những thứ thực sự cần thiết. Ở đây mình sẽ nói rõ hơn về cụm từ “những thứ thực sự cần thiết”, với cá nhân mình “những thứ thực sự cần thiết” là những thứ mình cần dùng nó nhiều lần, nó tách biệt hẳn với “những thứ mình muốn”. Từ “cần” và từ “muốn” là hai từ khác hẳn nhau nha. Để tìm ra “những thứ thực sự cần thiết” mình sẽ chuẩn bị một bảng checklist, mỗi lần mình cần dùng nó mình sẽ thêm vào đó một dấu tích. Nếu đủ 3 dấu tích thì mình sẽ mua, còn nếu không đủ mình sẽ không mua.

Ví dụ: Mình đang có 5 cái áo phông trong tủ nhưng hôm nay một chiếc áo mình thích nó giảm giá 20% chẳng hạn. Thay vì thêm vào mua, mình sẽ thêm nó vào bảng khi đủ tick mình sẽ mua. Vì đơn giản theo mình hiểu việc muốn sở hữu nó chỉ là một suy nghĩ tạm bợ, có thể nói là nhất thời đó :))

Việc làm này góp phần giúp mình tiết kiệm được nhiều tiền hơn, từ việc tiết kiệm mình sẽ có những khoản dư. Mình có thể để một chỗ hoặc đem đi đầu tư,… Ngoài ra từ việc tiết kiệm như vậy mình sẽ không bị áp lực tiền bạc, đôi khi mình còn sẵn sàng chi trả cho những thứ cần thiết dù nó có đắt hơn một chút nhưng đó là thứ mình thực sự cần và nó có chất lượng.

Làm thêm để kiếm thu nhập có nên hay không?

Khi nói về việc tài chính sinh viên thì không thể không kể đến việc đi làm thêm. Mình cũng từng đi bán hàng trong suốt kỳ nghỉ hè năm ngoái nên phần nào mình cũng hiểu được vấn đề “làm thêm có nên hay không?” ở đây mình sẽ chia ra 2 ý:

Đầu tiên là: HOÀN CẢNH

Nếu do hoàn cảnh cần thiết phải đi làm thêm thì thực sự đây là điều rất cần thiết. Với những ai gia đình không thể lo đủ tiền sinh hoạt, tiền học thì làm thêm sẽ giúp các bạn có thêm được những khoản thu nhập và phần nào đỡ gánh nặng cho gia đình. Nhưng vẫn phải giữ cho mình tư duy đó là tiết kiệm trước, tiêu tiền sau.

Thứ hai là: NHU CẦU

Đây chính là lý do mà mình đi làm thêm vào kỳ nghỉ hè năm ngoái, nếu một tháng mẹ gửi cho mình 3 triệu để tiêu thì trừ các khoản chi phí cố định mình chỉ còn 1 triệu để ăn tiêu trong một tháng. Với mình ngày đó là không đủ, vì mình có những nhu cầu cao hơn như là đi du lịch, đi cafe, những buổi tụ tập ăn uống chẳng hạn,…

Mình tự đánh giá là nhu cầu của mình ngày đó khá là cao, cao ngang với những người đi làm văn phòng và có khi còn cao hơn nữa cơ. Mình đã nghĩ liệu việc đi làm thêm của mình ngày đó có nên hay không?

Nếu là có, thì mình đã không thể tập trung 100% vào việc học một cách hiệu quả được, điều này dẫn đến kết quả học tập bị giảm xuống. Thực tế hồi đó mình có đi làm nhưng chẳng tiết kiệm được khoản nào cả bởi mình đi làm chỉ để mình có tiền đi du lịch, tất nhiên việc đi du lịch sẽ giúp mình có những trải nghiệm mới, được giao tiếp với những mối quan hệ xã giao mới,… nhưng nghĩ lại “giá như” ngày đó mình đi làm 3 tháng, mỗi tháng mình tiêu 2 triệu và tiết kiệm 3 triệu thì có tốt hơn hay không.

Nếu là không, thì mình sẽ có thời gian nhiều hơn để tập trung vào việc học, tập trung cho bản thân nhiều hơn từ sức khoẻ đến tinh thần. Tất nhiên lúc này nhu cầu tiêu pha của mình cũng sẽ phải giảm xuống. Sẽ hạn chế những buổi cafe, những lần gặp gỡ bạn bè hay những chuyến đi du lịch. Và để mà nghĩ sâu xa hơn thì mình vẫn sẽ chọn không đi làm thêm (đây quan điểm cá nhân của mình) bởi tuổi của mình còn trẻ, mình học trước đã. Nếu mình 20 tuổi mình sẽ tốt nghiệp năm 22 tuổi và đến tận 10 năm nữa mình với 30 tuổi,… Từ việc học mình sẽ có một tấm bằng tốt nghiệp chất lượng hơn. Nếu ra trường mình làm tự do thì không nói nhưng nếu chưa có định hướng thì tấm bằng này là thứ cứu cánh mình. Tiếp theo từ việc không đi làm thêm mình sẽ có thời gian học thêm một kỹ năng mới nào đó, kỹ năng mới này có thể sẽ phù hợp với đam mê của mình hoặc chỉ đơn giản là nó giúp mình giá trị hơn mỗi ngày từ việc rèn luyện kỹ năng đó. Từ đây có một tư duy mình muốn đề cập đó là

Tư duy 2: Làm gì cũng cần có kiến thức

Đôi khi chúng ta chỉ cần học một kỹ năng nào đó trong 2-3 năm và kiếm một khoản lợi nhuận bằng với một người đi làm 5 năm nhưng không có kỹ năng nào cả. Quan trọng hơn là người có kỹ năng,trong một vài trường hợp họ có thất bại thì từ kiến thức họ vẫn có thể vực dậy và lấy lại tất cả được. Còn người không có kỹ năng thì trường hợp này có lẽ sẽ khó hơn rất nhiều.

Mình đã gặp một vài trường hợp như vậy: Nếu ai từng nghe về Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump thì chắc cũng biết Donald Trump đã từng gần như bị phá sản trong những năm 80 của thế kỷ trước. Thuở đó, Trump kể rằng ông còn nghèo hơn cả một người ăn mày vì tài sản của người đó là số 0, còn ông, âm 5 tỷ USD. Một con người có lúc thất cơ lỡ vận đến tận cùng, với những kinh nghiệm và kiến thức trong ngành ông đã vươn lên, không những đã trả hết nợ nần mà lại còn trở nên giàu có.

Tổng kết

Trong bài viết mình có đề cập đến 2 tư duy về tài chính thời sinh viên. Mọi chia sẻ đều dựa trên quan điểm cá nhân và những trải nghiệm của mình, mong rằng các bạn có thể tìm kiếm được chút niềm vui cũng như chiêm nghiệm gì đó khi đọc bài của mình.

Cảm ơn mọi người đã đọc!

Khoi

Lượt xem: 3
Mạng xã hội:
Đào Mạnh Khởi
Đào Mạnh Khởi
Bài viết: 22