Giải Pháp Web Funnel với WordPress

Một tình yêu lành mạnh
Trong hành trình phát triển bản thân của mình, trên hành trình này đã có vô số lần mình khờ dại, non nớt và ôm hết sự hỗn loạn của tuổi trẻ. Tất cả mọi chuyện xảy ra đều đã giúp mình nhận ra và lớn lên hơn nhiều, nó đã dạy cho mình nhiều bài học về tình yêu và cuộc sống. Nhận ra mình cần phải thay đổi như thế nào để nuôi dưỡng một tình yêu lành mạnh hay là một tình yêu lớn ở trong cuộc đời mình.
KHI NÀO MÌNH BIẾT MÌNH THỰC SỰ YÊU?
Tình yêu nó không chỉ là cảm xúc bởi nó không chỉ là cảm giác xôn xao, hồi hộp vì não bộ sẽ tiết ra các Hormone tình yêu như Dopamine hay Oxytocin trong suốt khoảng thời gian mới yêu hay người ta còn gọi là Honeymoon Phase. Giai đoạn này cảm xúc sẽ bộc lộ rất mạnh, nhưng nó đến rồi cũng đi và bản chất của tình yêu không chỉ là sự hoạt động của não bộ.
Tình yêu thực sự đến sau giai đoạn say mê ban đầu, khi mình có thể nhìn thấy con người thật của đối phương một cách toàn vẹn và vẫn chọn yêu họ. Có những cặp đôi yêu nhau, sau một khoảng thời gian họ chán ghét nhau rồi rời bỏ thì theo mình đó chưa phải là yêu. Trong tình yêu nó vẫn sẽ luôn tồn tại tình bạn, bởi nó khiến cho mình cảm thấy dễ chịu, không có thứ gì mà mình không chia sẻ với người đó được. Tuy điều gì cũng có thể chia sẻ nhưng bản thân mình vẫn cảm thấy thoải mái với sự im lặng, với những khoảng lặng bên trong và những khoảng lặng giữa hai người. Không gian bên trong 1 người phải đủ rộng thì mới có chỗ cho tình yêu phát triển và cũng phải có không gian giữa hai người thì cả hai mới phát triển được không gian bên trong của mình. Bởi vậy, tình yêu nó không phải là sự ngột ngạt, ngột ngạt của cảm xúc và ngột ngạt của tâm trí.
Trong thế giới mà mình cũng như mọi người đang sống là một nơi rất chật chội, chúng ta sống trong những thành phố lớn đông người, mọi nhu cầu đều được đáp ứng và vô tình chúng ta cuốn vào chủ nghĩa tiêu dùng. Lúc nào chúng ta cũng muốn sở hữu, sở hữu nhiều hơn và cuối cùng chúng ta bị căng thẳng, tự áp lực chính mình và ít nhiều ảnh hưởng tới người yêu mình. Tình yêu nó không phải là một loại vật chất vì vậy chúng ta không thể nào sở hữu nó được, mua nó được.
Đối với mình tình yêu là sự bình yên, nó không có chỗ cho sự hơn thua, tranh giành, bất an. Tình yêu thúc đẩy bản thân mình phát triển, làm cho mình cảm thấy đầy đủ và biết ơn cuộc sống. Khi còn nhỏ, mình có xem các thể loại phim tình cảm, vô tình mình đã bị tẩy não bởi việc trong tình yêu phải có một cái cảm giác của sự hỗn loạn, lo âu và mâu thuẫn đôi bên gì đó và một tình yêu bình yên là điều không thể trong đời. Đến bây giờ mình nhận ra tình yêu là thứ giúp mình sống say đắm hơn, có những cảm nhận sâu sắc hơn và chịu bỏ qua cái tôi của mình. Tình yêu giúp mình nhận ra là không có ai hoàn hảo, khi yêu mình sẽ bao dung hơn, sẽ biết tha thứ hơn, trái tim của mình sẽ rộng rãi hơn, mình cũng sẽ can đảm hơn để chấp nhận những cái rủi ro và cho đi nhiều hơn nữa.
VẬY THÌ YÊU AI?
Cái mà mình thực sự nên làm đó là tập trung vào bản thân mình trước. Cụ thể là tập trung vào những cái sở thích, những cái đam mê, thói quen và nhu cầu của bản thân mình. Theo mình, một người có sức hút là một người hiểu được bản thân, hiểu được giá trị của mình là gì, khi đó mình mới có thể thu hút những người tương ứng và cùng tần số với mình. Những giá trị đó có thể bao gồm sự tin tưởng, sự thân mật (ở đây không chỉ là sự thân mật về thể xác) mà 2 người còn có thể ngồi xuống và trò chuyện với nhau. Từ sự thân mật đó nó sẽ giúp 2 người hiểu, trân trọng và biết ơn lẫn nhau, trung thuỷ và thành thật.
Theo như mình quan sát, rất nhiều bạn trẻ tìm đến với tình yêu nhưng lại bị chi phối rất nhiều bởi chủ nghĩa tiêu dùng. Rất nhiều người xem người yêu như là món đồ sở hữu, họ không chỉ phô trương những thứ vật chất đang sở hữu như nhà, xe cộ… mà còn qua người họ đang hẹn hò nữa. Đương nhiên, để gắn bó với một người thì mình phải cảm thấy tự hào về họ. Nhưng mấu chốt là đằng sau cái sự tự hào đó là gì? Đó là vì người ta tử tế, trân thành, sống có đam mê, có ý chí và có trách nhiệm hay chỉ bởi vì người ta có tiền, có địa vị gì đó? Có một sự thật là khi chúng ta càng tập trung vào những yếu tố vật chất thì tình yêu càng khó để tồn tại bởi đơn giản những thứ đó không thể nào đem lại hạnh phúc bền vững được.
Khi chúng ta yêu ai đó vì những tiêu chuẩn hay vật chất gì đó. Thì khi tình yêu mất đi nó cũng chỉ vì những tiêu chuẩn hay vật chất ban đầu đó.
Tất nhiên, mình không có ý xem nhẹ tài chính trong một mối quan hệ yêu đương. Mình nghĩ cả hai người đều phải có trách nhiệm kiếm và giữ tiền và mình tin tất cả những vật chất đều có thể kiếm được nếu như chọn và yêu đúng người.
Ý THỨC VÀ GIẢI QUYẾT TỔN THƯƠNG TÂM LÝ
Trên thực tế mỗi người đều từng trải qua những va vấp và tổn thương tâm lý trước khi gặp người mình yêu. Đây có thể là tổn thương từ những mối quan hệ trước, những mối quan hệ trong cuộc sống đến từ gia đình hay xã hội. Hoặc đơn giản nó đến từ niềm tin tiêu cực nào đó như là: “Yêu là phải đau khổ, thà độc thân còn hơn, tôi không xứng đáng/ hợp với chuyện yêu đương, không tin đàn bà hay hận đàn ông…” Nếu như một người không nhận được nhiều tình thương từ gia đình thì dĩ nhiên rằng là cách họ tiếp cận chuyện tình cảm cũng ít nhiều bị ảnh hưởng, cũng sẽ có một số trường hợp vội vàng bước vào một mối quan hệ và tiến tới hôn nhân rồi mong chờ là nó sẽ giải quyết những vấn đề trong họ. Chúng ta không thể nào trông chờ bất cứ ai thay đổi cuộc đời mình được, chỉ khi chúng ta muốn thay đổi thì cái sự đồng hành, góp ý và lắng nghe, chia sẻ từ đối phương mới có thể hỗ trợ chúng ta. Không có ai là hoàn hảo hết và con người gắn kết lại với nhau bởi chính những sự thiếu hoàn hảo đó, hỗ trợ cho nhau và cùng nhau nỗ lực.
NHỮNG KIỂU GIAO TIẾP CẦN TRÁNH
Gần đây mình có biết đến một khái niệm Four Horsemen of Apocalypse (tứ kị sĩ khải huyền trong giao tiếp), đại khái đây là 4 cách giao tiếp độc hại có thể đầu độc mối quan hệ. Trong đó bao gồm:
- Criticism (chỉ trích) : Là việc tấn công đối phương thay vì tập trung vào sự việc, hành động cụ thể. Ví dụ người kia cắm cơm quên bật nút nấu thay vì việc nói nhẹ nhàng là “em quên bật nút nấu hả” thì lại tấn công bằng lời nói như là “có cắm cơm cũng không xong, chẳng làm gì nên hồn…”
- Defensiveness (phòng thủ): Tức là khi có ai đó góp ý cho mình một cách chân thành mà họ không có miệt thị hay chỉ trích mình thì mình lại coi đó là một sự tấn công cá nhân. Ví dụ: Ai đó nói là “em quên bật nút nấu hả” thì mình lại nói là “có cái nút nấu thôi mà cũng hỏi nhiều nữa”
- Contempt (khinh miệt): Là sự thượng đẳng và khinh thường đối phương. Có thể là những hành vi mỉa mai, chế nhạo và hạ thấp giá trị người khác. Ví dụ: Trong cuộc nói chuyện giữa hai người, người kia sẽ lườm mắt và tỏ ra thái độ thiếu tôn trọng hoặc gọi nhau bằng danh từ, tên miệt thị.
- Stonewalling (tường đá- chiến tranh lạnh): Tức là khi một người kiểu shutdown cảm xúc luôn. Trong một cuộc nói chuyện mà người kia không phản ứng, không trả lời gì hết. Giống như là chiến tranh lạnh vậy đó, với mình vấn đề này lạnh hơn cả Nam cực :))
Thành thật mà nói, mình cũng đang mắc phải 1 trong 4 điều trên và mình đang thay đổi từng ngày. Nó có thể là trong tình yêu nhưng nhìn rộng ra 4 điều này cũng áp dụng được vào trong những cuộc giao tiếp thường ngày.
BÀI HỌC CỦA MÌNH.
Có một điều rất hay mà mình chiêm nghiệm được là khi mỗi lần có một cái bất đồng gì đó xảy ra, hay vấn đề gì đó. Thì mình luôn hướng suy nghĩ là họ không cố ý làm tổn thương mình, không nghĩ là họ có ý xấu với mình. Cái xu hướng làm quá mọi chuyện lên hay thảm hoạ hoá mọi thứ nó rất độc hại trong các mối quan hệ thân thiết (tình cảm, tình bạn, gia đình). Tình yêu là một trạng thái sống và nếu mình sống với nhiều tình yêu thương hơn thì tình yêu sẽ hiện hữu trong cuộc đời của mình.
TỔNG KẾT
Đây là một bài viết khá dài nhưng nó là những chia sẻ tâm đắc nhất của mình dựa trên những kinh nghiệm cá nhân và sự tìm tòi học hỏi của mình về tình yêu. Mình tin rằng ai cũng xứng đáng được yêu thương, ai rồi cũng sẽ có được tình yêu lành mạnh trong đời.
Mình mong rằng mọi người có thể tìm kiếm được những góc nhìn mới, tư duy mới trong đây hoặc chỉ đơn giản là niềm vui khi đọc blog của mình.
Cảm ơn mọi người đã ghé qua!
Khởi