Giải Pháp Web Funnel với WordPress
Những áp lực cuộc sống
Trước khi đi vào những chia sẻ của mình thì mình muốn kể với mọi người một câu chuyện về áp lực của chính bản thân mình. Cách đây khoảng hơn 2 năm, những ngày mình đang học phổ thông, mình chỉ mong muốn rằng thời gian trôi thật nhanh để mình đi học đại học, sống tự do mà không bị dằng buộc gì, mọi thứ với mình ngày đó toàn là màu hồng. Mình nghĩ rằng mình sẽ đi làm thêm, kiếm tiền rồi tự do thoả thích,… tất cả những suy nghĩ ngày đó rất mơ mộng. Rồi ngày đó cũng đến mình bắt đầu những bước chân đầu tiên lên Hà Nội và mọi thứ màu hồng trước đó dần dần tan biến. Ở được một thời gian mình bắt đầu nảy sinh những áp lực cho bản thân, từ tài chính, chuyện tình cảm, việc học tập, việc ăn ở, ngủ nghỉ… rất nhiều điều xảy đến không như mình mong đợi. Có những khoảng thời gian mình chỉ sống lủi thủi một mình vì mình rất bất lực, bản thân mình vốn là đứa hay tạo ra những áp lực rồi dù là chuyện có nhỏ và khi gặp những vấn đề này mình dường như không biết xoay sở ra sao cả. Một đứa trẻ mới lớn lạc lõng giữa lòng thủ đô.
Thời gian cũng trôi qua, mới đó mà giờ cũng đã được 2 năm. Bản thân mình hiện tại cũng còn có những áp lực riêng và mình nghĩ rằng trong hầu hết mọi người ai cũng đều có những áp lực, cũng đều có những trăn trở, hoài bão. Và hiện tại mình có thể coi là đã trải qua khoảng thời gian khó khăn đó, mình đã hiểu được rằng khi biết cách áp lực đúng mình sẽ có động lực hơn để hoàn thành những mục tiêu đề ra.
Những kiểu áp lực
Mình sẽ chia áp lực ra làm hai kiểu: đầu tiên là áp lực tích cực và thứ hai là áp lực tiêu cực. Mỗi kiểu áp lực đều có những đặc tính riêng. Từ nguồn gốc dẫn tới và kết quả của những kiểu áp lực này.
ÁP LỰC TIÊU CỰC
Áp lực tiêu cực là kiểu áp lực mà mình đã gặp phải trong suốt khoảng thời gian về trước. Mọi người có thể hiểu khi chúng ta đặt quá nhiều kỳ vọng cho bản thân mà những sự kỳ vọng này lại không như mong đợi thì chính những kỳ vọng trước đó dần dần sẽ trở thành những áp lực. Rồi khi có quá nhiều áp lực dồn nén nó sẽ trở thành áp lực tiêu cực.
Ở mỗi độ tuổi chúng ta thường có những áp lực riêng. Khi còn nhỏ mình nhìn đứa bạn mình được mua đồ chơi mình cũng năn nỉ bố mẹ mua cho, khi đi học mình sẽ có những áp lực học tập rằng phải được học sinh giỏi, bắt đầu khi lên đại học những áp lực nó dần nâng cao mức độ hơn, rồi tới khi đi làm sẽ còn có những áp lực nặng nề hơn nữa. Áp lực tiêu cực với mình nó như một gánh nặng trên vai, khi mình còn áp lực quá nhiều thứ hay kỳ vọng quá nhiều, não mình dường như bị quá tải thông tin và mình chẳng biết làm cái gì đầu tiên cả. Mọi thứ như một vòng lặp, ngày qua ngày mình chẳng tiến bộ thêm chút nào, bù lại cái sự áp lực này nó còn bị nén thêm, chồng chất thêm.
Ví dụ từ mình: Trước đây mình đặt mục tiêu cuối kỳ này mình phải giành được học bổng, mình cũng đã lên một plan cho mục tiêu trên. Nhưng được một thời gian, trong lúc mình đang học môn này thì mình lại nghĩ còn đầy bài tập môn khác cần làm, khi làm bài tập môn khác mình lại nghĩ về việc kiếm tiền để đóng tiền nhà,… Mọi suy nghĩ dồn dập tới, mình lại bỏ dở, kế hoạch thất bại.
Với những bạn có áp lực từ phía gia đình. Ở Việt Nam có một cụm từ rất phổ biến hay thường được phụ huynh đem ra so sánh là “con nhà người ta”. Từ việc điểm số, thành tích học tập tới cả nghề nghiệp tương lai. Trong nhiều trường hợp việc áp lực điểm số với con cái như là con dao hai lưỡi, nếu điểm cao và thành tích tốt thì bố mẹ được nở mày nở mặt, còn điểm thấp thì áp lực đầu tiên là với đứa con là buồn vì được điểm thấp, áp lực tiếp theo cũng là của đứa con vì sợ bị bố mẹ mắng, nặng nề hơn là những tác động vật lý từ phụ huynh. Ngoài ra, có những bậc phụ huynh mang những suy nghĩ dập khuôn về việc định hướng cho con cái của mình. Điều này cũng không nên, vì nó như tước đi quyền tự do của con cái. Điều nên làm là cùng con cái định hướng, cùng chia sẻ và lắng nghe để đưa ra ý kiến tốt nhất.
Ví dụ: Khi bố mẹ lấy hình tượng từ những người làm bác sĩ, công an, kỹ sư,… có thu nhập ổn định để gắn lên đứa con của mình. Nhưng đứa con lại không thích điều này và làm theo một hướng khác thì đây cũng chính là một áp lực tiêu cực rất là lớn.
Về những áp lực đến từ những định kiến xã hội, đặc biệt là ở Việt Nam mình trong cái thời điểm hiện tại, khi mà báo chí suốt ngày tô vẽ những cái người thành công phải là những người chủ tịch tập toàn, CEO công ty này công ty nọ, những diễn viên ca sĩ, những người ăn mặc đẹp đi siêu xe sang trọng. Khi mà thấy xung quanh tồn tại những thông tin như vậy, chúng ta nghe riết đặc biệt là giới trẻ- những người chưa vững về tinh thần. Mỗi ngày đều tiếp nhận những thông tin như vậy qua mạng xã hội và dần dần xem đó là một sự thật hiển nhiên. Và khi nhìn lại bản thân mình chưa có gì cả, vô hình chung nó sẽ là những áp lực tiêu cực rất nặng nề
ÁP LỰC TÍCH CỰC
Áp lực tích cực trái ngược hoàn toàn với áp lực tiêu cực. Khi bản thân mình biết áp lực một cách vừa phải thì đây như là nguồn động lực để giúp mình hoàn thành mọi việc một cách nhanh hơn.
Ví dụ: Khi mình kỳ vọng rằng cuối kỳ này mình sẽ có học bổng thì thay vì loay hoay suy nghĩ rồi bỏ dở thì mình sẽ chia nhỏ cách hoàn thành, cụ thể việc đơn giản nhất là mình tập trung vào và học từng mục của từng môn một.
Just do it!
Cụm từ “Just do it” dịch ra Tiếng Việt có nghĩa là “Cứ làm đi”. Đây cũng là câu slogan có tầm ảnh hưởng nhất thế giới của một hãng giày nổi tiếng nhất thế giới đó là NIKE.
Mình có đọc được một mẩu chuyện có nội dung như sau:
Xưa có một lão hòa thượng sống trong ngôi chùa cổ trên núi cao. Một ngày kia có vị khách ghé thăm chùa. Người khách biết lão hòa thượng đã tu hành đắc Đạo, bèn hỏi ông rằng:
– Trước khi giác ngộ, ông đã làm những gì?
– Ta chặt củi, gánh nước, nấu cơm, vị thiền sư đáp.
– Thế sau khi giác ngộ, ông làm gì?
– Ta chặt củi, gánh nước, nấu cơm.
– Vậy có điều gì khác biệt sau khi ông giác ngộ vậy?
– Trước đây, khi chặt củi ta nghĩ tới lúc gánh nước, khi gánh nước ta nghĩ tới bữa cơm, khi nấu cơm ta lại hồi tưởng tới lúc chặt củi. Bây giờ, khi gánh nước ta nghĩ về gánh nước, khi chặt củi ta nghĩ về chặt củi, và khi nấu cơm ta nghĩ về nấu cơm.
Khi đọc xong mẩu chuyện này mọi người suy niệm ra điều gì?
Quay lại ví dụ của mình ở phần “Áp lực tiêu cực” và áp dụng vào mẩu chuyện trên thì mình sẽ được một kết quả khác như sau: “Khi mình học bài mình chỉ nghĩ đến việc học, khi mình kiếm tiền thì mình chỉ nghĩ đến kiếm tiền”
Cách duy nhất giúp mình buông bỏ được những áp lực tiêu cực là “Cứ làm đi”. Cứ hoàn thành từng việc một, bởi thế mới thấy được áp lực một cách tích cực giúp mình rất nhiều năng lượng và động lực trong từng việc cần làm.
Cụ thể: Khi mình muốn phát triển blog, mình sẽ không quan tâm rằng thu nhập sẽ là bao nhiêu, nội dung mình làm có bao nhiêu người làm, có giống ai không, hay ví dụ có nhiều người làm thì mình làm sao lại được họ. Mà mình chỉ tập trung vào chất lượng của blog như lời văn sao cho phù hợp với lứa tuổi, thiết kế sao cho bắt mắt người xem đặc biệt là các bạn trẻ như mình, cách truyền đạt cũng cần những kỹ năng gì để người đọc dễ hiểu nhất,… đối với mình như vậy là đủ.
Tổng kết
Dưới đây là các ý chính trong bài:
- Áp lực có hai kiểu là áp lực tiêu cực và áp lực tích cực. Áp lực tiêu cực mang đến buồn phiền, áp lực tích cực tạo ra năng lượng
- Cách tốt nhất để buông bỏ những tiêu cực là “Cứ làm đi”. Hãy tự tin để vượt qua được những áp lực tiêu cực
- Làm bất kể việc gì cũng nên duy trì sự tập trung cao độ và dành hết tâm trí để hoàn thành
Cảm ơn mọi người đã ghé thăm trang blog của mình, nội dung bài viết đều dựa trên trải nghiệm cá nhân và những bài học tích luỹ của mình. Mong rằng mọi người sẽ có cái nhìn tích cực và nhặt nhạnh được chút niềm vui khi đọc.